Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”

Tại Hội nghị này mỗi tôn giáo đều phát đi Thông điệp về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Nhận lời mời của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i đã cử 3 đại biểu gồm Chủ tịch, Tổng Thư ký và một thanh niên tham dự Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam) tổ chức tại Tp Huế trong 3 ngày 1 – 3 /12/2015.

Hội nghị với sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo ở Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố vùng duyên hải. Đây là hội nghị mang tính lịch sử, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của tất cả các tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam.

Thông điệp của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam được đạo hữu Nguyễn Thị Trà My, một người thuộc giới trẻ, thay mặt Cộng đồng Tôn giáo Baha’i lên phát biểu đã thu hút sự chú ý và hoan nghênh nhiệt liệt đối với việc trao quyền cho giới trẻ để gánh vác trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Nguyễn Thị Trà My, người nữ duy nhất trên bàn đại diện các tôn giáo

Đại diện các tôn giáo đều hoan nghênh hội nghị lịch sử này vì nó đã tạo ra một tinh thần đoàn kết yêu thương hòa hợp giữa tất cả 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam, mọi người thân thiện quý chuộng nhau như anh em trong một gia đình thể hiện rõ nét về nguyên lý “Thống nhất Nhân loại” mà Đức Baha’u’llah đã ban cho nhân loại trong thời đại trưởng thành này.

Thông điệp của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam mà Trà My chia sẻ đã nói:

“Vấn đề bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay là vấn đề toàn cầu, nên để xử lý nó cũng cần những giải pháp mang tính toàn cầu, không một tổ chức hay quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được. Xu thế toàn cầu là tất yếu cho thời đại của chúng ta đang sống. Gia đình nhân loại ngày nay chia sẻ một vận mệnh toàn cầu trong một tổ quốc toàn cầu. Đức Baha’u’llah phán: “Trái đất là một quốc gia, nhân loại là công dân của quốc gia đó.”

Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay cũng là vấn đề thuộc tầm cỡ đạo đức gây nên bởi con người vì những động cơ ích kỷ của một thiểu số mà không để ý đến hạnh phúc chung của toàn khối. Ngoài việc đốt nhiên liệu hóa thạch của các nước công nghiệp, nạn phá rừng, thay đổi sử dụng đất và việc lạm dụng đất trong nông nghiệp cũng thải carbon dioxide vào không khí. Mức tăng của khí carbon dioxide trong không khí là nguyên nhân chính của sự ấm lên toàn cầu. Do vậy sự chung tay của các cộng đồng tôn giáo là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất góp phần nâng cao các giá trị đạo đức nhằm chận đứng sự hủy hoại môi trường và hiện tượng khí hậu cực đoan.

Đạo hữu Nguyễn Thị Trà My chia sẻ thông điệp của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Về phần mình, chúng tôi khẳng định rằng “nguyên lý thống nhất nhân loại” trở thành nguyên lý chỉ đạo của đời sống quốc tế. Nguyên lý này tạo ra khả năng để xem các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu qua một thấu kính mới – một thấu kính nhận thức nhân loại là một khối thống nhất, giống như những tế bào của cơ thể con người, với vô số hình dáng và chức năng khác nhau tuy nhiên thống nhất trong một mục đích chung. Chúng tôi đề nghị cộng đồng các tôn giáo cần tiến hành giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu dựa trên các nguyên lý tâm linh, nhằm nâng cao sự hiểu biết về những vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu và tạo nên sự cam kết của mỗi người và mọi người ngay tại địa phương mình bằng những hành động thiết thực nhất cho một hành tinh tốt đẹp hơn.

Đức Baha’u’llah phán: “Thế giới này có thể tốt hơn nhờ những hành động cao quí và trong sạch, nhờ hạnh kiểm đoan chính và đáng ca ngợi.”

Kết thúc hội nghị các tôn giáo đã cùng nhau ký cam kết chung dưới đây:

Cam kết của các tôn giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu

“Chúng tôi, 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam cùng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các tác động của ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đối với sự sống của con người và muôn loài. Chúng tôi hiểu rằng bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật hay kinh tế, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng và trách nhiệm cao.

Chúng tôi, các tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và BĐKH do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới. Đó chính là cơ hội để chúng ta thực hiện sứ mạng và niềm tin được giao phó: trí tuệ, tình yêu và sự chia sẻ.

Chúng tôi ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và MTTQ Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời kêu gọi các nỗ lực phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chăm sóc con người, sự sống trên trái đất, cùng với các nỗ lực bảo vệ cộng đồng bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Trên cơ sở đó, chúng tôi cam kết các hành động thiết thực tại cộng đồng tôn giáo chúng tôi theo các nội dung sau:

Một là : cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; triển khai nhiều giải pháp tích cực, bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của cộng đồng và xã hội. Với mục tiêu đó, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH sẽ được đưa vào sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo.

Hai là : các tôn giáo tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp nhau ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không tôn giáo khi có rủi ro thiên tai xảy ra để góp phần vào hiệu quả các hoạt động này tại cộng đồng dân cư. Cộng đồng tôn giáo sẽ được chia sẻ thông tin của Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ngành TN-MT liên quan đến các giải pháp cần thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, được khuyến khích tham gia tích cực vào việc thực hành các giải pháp khẩn thiết này.

Ba là : thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, cơ quan TN-MT và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu Quốc gia về BĐKH.

Bốn là : khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, bão, lũ. Chúng tôi cam kết chia sẻ sự chăm sóc bằng hỗ trợ vật chất hay tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà chúng tôi có thể.

Với cam kết này, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân, người dân, tất cả cộng đồng tôn giáo Việt Nam và quốc tế nhận thức rõ hiểm họa của ô nhiễm, suy thoái môi trường và BĐKH mà nhân loại và Việt Nam đang đối mặt, cùng chia sẻ trách nhiệm và đồng tâm phối hợp hành động vì mục đích cao nhất của chúng ta: là bảo vệ sự sống của con người và muôn loài.