Phẩm chất của những người được chọn bầu

Bài viết này là một phần của một loạt về cuộc bầu cử Baha’i, được trích từ ấn phẩm có tiêu đề “Tính thiêng liêng của bầu cử Baha’i”.

TRÍCH THƯ CỦA ĐỨC SHOGHI EFFENDI

Cần quan tâm sâu sắc đến khả năng thực sự và những thành đạt hiện tại của tín đồ và chỉ chọn người có phẩm chất tốt nhất, cho dù họ là nam hay nữ, bất kể địa vị xã hội, để bầu vào cương vị mang trọng trách đặc biệt của một ủy viên Hội đồng Tinh thần Baha’i.

Trích Thư viết tay của Đức Shoghi Effendi, phụ lục cho lá thư đề ngày 27 tháng 12 năm 1923 được viết theo lệnh của Ngài gửi Hội đồng Tinh thần Quốc gia Ấn Độ và Miến Điện, được in trong “ Bình minh của Một Ngày Mới” ( New Dehli: Baha’i Publishing Trust, 1970, trang 4 (7)

Chúng ta hãy nhớ lại lời dạy của Ngài và những sự đảm bảo mà Ngài thường nhắc đi nhắc lại, là mọi Hội đồng Tinh thần Địa phương được bầu trong không khí vô tư và tinh thần dứt bỏ, thì sự thật Thượng Đế đã chỉ định Hội đồng Tinh thần đó. Các quyết định của Hồi đồng này thật sự được cảm ứng. Do đó, từng người và mọi người phải tuân tùng theo quyết định của Hội đồng Tinh thần với nhiệt tình và lòng hân hoan.

Trích thư ngày 23 tháng 2 năm 1924 gửi các tín đồ Baha’i Mỹ, được in trong “ Nền quản trị Baha’i” trang 65 (8)

Tại thời điểm này chúng ta chưa thể phỏng định được tính chất phi thường độc đáo của cơ cấu Hội đồng Tinh thần Quốc gia… Cương vị của các ủy viên là tối cao, trách nhiệm của họ nặng nề, công việc của họ khó khăn và phức tạp. Ơn huệ thật cao quý, và công việc của các đại biểu thật là tinh tế mà chức năng là để bầu chọn những người đại diện ở cấp quốc gia, mà bằng những công việc phụng sự từ trước đến nay của họ, đã làm cao quý và làm phong phú cho lịch sử của Chánh Đạo!… Một điều tối cần thiết đối với các đại biểu là phải cân nhắc với sự vô tư, không được có cảm tình riêng hoặc thành kiến nào và không để tâm đến điều kiện vật chất nào, chỉ quan tâm đến danh tính những người mà trong họ có sự kết hợp tốt đẹp nhất của những đặc tính cần thiết, đó là: Trung thành vô điều kiện, cống hiến quên mình, trí tuệ minh mẫn, khả năng nổi bật và kinh nghiệm chín chắn…

Trích thư ngày 3 tháng 6 năm 1925 gửi Hội đồng Tinh thần Quốc gia Mỹ và Canada được in trong “Nền Quản trị Baha’i“ trang 87-88 (9)

. . . người đi bầu . . . được kêu gọi không bỏ phiếu cho ai khác ngoài những người mà qua sự cầu nguyện và suy tưởng họ được cảm ứng cho thấy là xứng đáng. . .

Trích thư ngày 27 thang 5 năm 1927 gửi Hội đồng Tinh thần Quốc gia Mỹ và Canada được in trong “Nền Quản trị Baha’i “ trang 136 (10)

Tôi nghĩ rằng điều đó không phù hợp với tinh thần của Chánh Đạo khi áp đặt bất cứ một sự giới hạn nào lên quyền tự do của các tín đồ trong việc chọn lựa người thuộc bất cứ chủng tộc nào, quốc tịch nào, hoặc khí chất như thế nào, khi người đó có trong họ sự kết hợp ở mức tốt đẹp nhất những đặc tính cần thiết để trở thành ủy viên của các cơ cấu quản trị. Các đại biểu đừng để ý đến cá tính, mà chú tâm vào các đặc tính và đòi hỏi của cơ cấu, không có thành kiến, dục vọng hoặc thiên vị. Hội đồng Tinh thần phải là đại diện của những thành phần có năng lực, đa dạng nhất và được tuyển chọn nhất trong mỗi cộng đồng Baha’i.

Trích Thư viết tay của Đức Shoghi Eeffendi, kèm theo lá thư ngày 11 tháng 8 năm 1933 theo lệnh của Ngài gửi một cá nhân tín đồ, được in trong “ Các Cơ cấu Baha’i” (New Delhi: Baha’i Publishing Trust, 1973) trang 71-72 (11)

Nếu có thể chấp nhận một sự phân biệt đối xử nào, đó không phải là sự phân biệt chống đối, mà là sự ưu tiên cho những dân tộc thiểu số, về sắc tộc và đại diện khác …tất cả mọi cộng đồng có tổ chức của Đức Baha’u’llah, đều phải hiểu rằng nghĩa vụ đầu tiên và bắt buộc của cộng đồng là nuôi dưỡng, động viên và bảo vệ cho tất cả những nhóm dân tộc thiểu số thuộc các tôn giáo, chủng tộc, giai cấp hay quốc tịch trong cộng đồng của mình…

Trích thư ngày 25 tháng 12 năm 1938, đuợc in trong” Sự Giáng thế của Nền Công lý Thiêng liêng” trang 35 (12)

Những người đi bầu . . .sau khi suy tưởng và cân nhắc, phải với tinh thần cầu xin và lòng tận tuỵ, chọn lựa những linh hồn trung thành, chân thành, từng trải, có năng lực và có tài trí, xứng đáng để trở thành ủy viên của Hội đồng…

Trích thư ngày 1 tháng 7 năm 1943 gửi Hội đồng Tinh thần Quốc gia Ba Tư, được dịch từ tiếng Ba Tư (13)

TRÍCH THƯ THEO LỆNH CỦA ĐỨC SHOGHI EFFENDI

. . .Về những phẩm chất của các ủy viên Hội đồng Tinh thần: có một điều quan trọng cơ bản là chúng ta phải luôn luôn nhớ phân biệt rõ trong mối quan hệ này, đó là mối liên hệ giữa Hội đồng Tinh thần là một cơ cấu với những người là thành viên của Hội đồng đó. Không có lý do gì cho rằng những ủy viên này là hoàn hảo, cũng không thể coi họ là những cá nhân bẩm sinh cao quý hơn những đạo hữu khác. Rõ ràng là vì họ cũng đều chịu những hạn chế của con người cũng như những đạo hữu khác trong cộng đồng, do đó mà chúng ta cần bầu chọn lại hàng năm. Sự bầu chọn hàng năm của các cuộc bầu cử là một dấu hiệu đầy đủ rằng các ủy viên Hội đồng Tinh thần, mặc dù là một thành phần của một cơ cấu thiêng liêng và hoàn hảo, vẫn là những cá nhân không hoàn hảo. Nhưng điều này nhất thiết không có hàm ý rằng quyết định của họ là khiếm khuyết…

Trích thư ngày 15 tháng 11 năm 1935 gửi các cá nhân tín đồ, được in trong “ Hội đồng Tinh thần Địa phương” do Toà Công lý Quốc tế biên soạn (Wilmette: Baha’i Publishing Trust, 1970) trang 9 (14)

Một tín đồ có quyền bỏ phiếu cho chính mình trong kỳ bầu cử, nếu người đó sáng suốt nhận thấy rằng mình cần phải làm như vậy. Điều này không có nghĩa rằng người tín đồ này có tham vọng hoặc ích kỷ, mà vì người này sáng suốt nhận biết rằng những phẩm chất của mình cho phép mình thành một ủy viên của cơ cấu quản trị Baha’i, và người ấy có thể đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là người tín đồ này phải trung thành với đức tin, và hành động theo sự hưóng dẫn của lương tâm mình. Hơn thế nữa, trở thành ủy viên của một Hội đồng hoặc một Ban là một hình thức phụng sự, và không nên coi đó là một dấu hiệu của uy quyền bẩm sinh, hoặc như một phương tiện để tự đề cao.

Trích thư ngày 27 tháng 3 năm 1938 gửi một cá nhân tín đồ, được in trong “Bình minh của Một Ngày Mới” trang 200- 201 (15)

Về nguyên tắc không có vấn đề gì nếu tất cả hoặc một số ủy viên Hội đồng được bầu lại, với điều kiện là ủy viên đó phải xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng là cống hiến của từng người. Việc đổi mới hay hành vi đổi mới của bầu cử chỉ là vấn đề thứ yếu. Những thay đổi trong ủy viên Hội đồng đáng được khuyến khích chừng nào việc thay đổi đó không ảnh hưởng đến phẩm chất của các ủy viên. Khi bầu cử Hội đồng kết thúc, kết quả phải được toàn bộ cộng đồng tín hữu chấp nhận một cách sáng suốt và vô điều kiện, không nhất thiết bởi họ đại diện cho tiếng nói chân lý hay ý muốn của Đức Baha’u’llah, mà là cho mục đích tối thượng là duy trì tính thống nhất và hoà hợp trong cộng đồng…

Thư ngày 10 tháng 7 năm 1939 gửi một tín hữu, đăng trong “ Chỉ thị của Đức Giáo Hộ”, do Gertrude Garrida biên soạn ( New Delhi, Baha’i Publishing Trust, 1973, trang 23 (16)

Về câu hỏi của đạo hữu liên quan đến phẩm chất của các đại biểu và các ủy viên của Hội đồng Tinh thần:
Các phẩm chất mà Đức Giáo Hộ nêu ra có thể áp dụng cho bất cứ ai chúng ta bầu vào một cơ cấu Baha’i dù với đặc tính như thế nào đi nữa. Nhưng đó chỉ là một chỉ dẫn, không có nghĩa là nếu ai đó không đạt được tất cả các phẩm chất đó sẽ không được bầu vào cơ cấu. Chúng ta phải đề ra mục tiêu càng cao càng tốt. Đức Giáo Hộ cảm thấy các đạo hữu không cần phải coi trọng những hạn chế – chẳng hạn như những người không thể thường xuyên tham dự vào cuộc họp Hội đồng hay Ban, vì nếu làm thế, thì khái niệm cơ bản là mọi người đều có thể phụng sự trong các cơ cấu quản trị Baha’i sẽ bị yếu đi, và các đạo hữu thường có xu hướng bầu cho những người do điều kiện cuộc sống có khả năng dễ dàng đi lại dự họp nhưng lại thiếu phẩm chất để phụng sự.

Thư ngày 24 tháng 10 năm 1947 gửi Hội đồng Tinh thần Quốc gia Anh quốc đăng trong “ Số phận đơn giản: Các Thông điệp của Đức Giáo Hộ của Tôn giáo Baha’i gởi Cộng đồng Baha’i Anh quốc” (London: Baha’i Publishing Trust, 1981, trang 207 (17)

TRÍCH BIÊN BẢN CỦA TOÀ CÔNG LÝ QUỐC TẾ

Về câu hỏi rằng lời tuyên bố của Đức Abdu’l-Baha trong một Kinh bản của Ngài với ý nghĩa là cử tri cần phải lựa chọn trong số những người mà uy tín của người đó đã được biết đến rộng rãi.
Trong bất cứ hình thức bầu cử nào, không thể tránh khỏi việc các cá nhân xứng đáng không được bầu chỉ vì họ không được biết đến một cách rộng rãi. Điều này đúng trong hệ thống bầu cử có sử dụng hình thức đề cử và vận động tranh cử, và cũng đúng trong hệ thống bầu cử Baha’i. Tuy nhiên đây không phải là điểm mấu chốt. Theo quan điểm của Baha’i, một người được bầu vào Hội đồng, không phải là quyền lợi để người ấy hưởng, hay vinh dự mà họ khát khao, nhưng đó là một nhiệm vụ và trách nhiệm mà họ được giao phó. Mục đích những ai được bầu vào Hội đồng phải là những người xứng đáng nhất để phụng sự; điều này không có nghĩa là tất cả những ai xứng đáng đều được bầu.

Trong tương lai… chúng ta hy vọng sẽ có nhiều cá nhân có những phẩm chất thích hợp để phụng sự trong Hội đồng Tinh thần. Mỗi một lần chỉ có thể bầu một vài người trong số họ. Cũng dự kiến rằng, thông qua đào tạo và kinh nghiệm trong quá trình và tinh thần bầu cử Baha’i, các cử tri sẽ tăng cường ý thức trách nhiệm để chỉ bầu cho những ai đạt được các phẩm chất mà Đức Giáo Hộ đã nêu. Do vậy, nhiệm vụ liên tục của tín đồ là làm quen với đặc tính và năng lực của những người tích cực trong cộng đồng, để rồi đến kỳ bầu cử, họ có thể đã có ý tưởng để xem xét bầu trong cộng đồng.

Thư ngày 16/11/1988 gửi Trung tâm Truyền giáo Quốc tế (18)