Ngày Tôn giáo Hoàn cầu: Tạo sự thống nhất giữa các tôn giáo

Ý NGHĨA

Khởi đầu từ Thánh thư Baha’i: ”Tôn giáo phải là nguyên nhân của tình yêu và sự hòa hợp, là sợi dây thống nhất tất cả nhân loại vì tôn giáo là một thông điệp của hòa bình và thiện chí mà Thượng Đế ban cho loài người.” và “Tôn giáo là phương tiện lớn lao nhất cho việc xây dựng nền trật tự thế giới và sự yên ổn của dân chúng trên địa cầu.” Tín đồ Baha’i được khuyến khích “kết giao với tín đồ các tôn giáo khác trong tinh thần bằng hữu và hòa hợp.”

Những đại diện các tôn giáo tại trung tâm Baha’i ở Tp.HCM, tháng 2/2017.

Ngày Tôn giáo Hoàn cầu (World Religion Day) được Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 1950. Chọn ngày Chủ nhật của tuần lễ thứ 3 trong tháng 1 hàng năm để tổ chức. Mục đích là kêu gọi quan tâm đến sự hòa hợp về các nguyên lý tinh thần và sự thống nhất giữa các tôn giáo trên thế giới và nhấn mạnh rằng tôn giáo là động lực cho sự thống nhất thế giới.

Từ đó đến nay khắp thế giới Baha’i đều hưởng ứng tổ chức Ngày Tôn giáo Hoàn cầu để biến đổi mọi băng hoại của thế giới, hận thù thành yêu thương, đố kỵ thành bao dung, và biến những thiện cảm lờ mờ thành sự đoàn kết bền chặt.

Tại cuộc họp mặt Ngày Tôn giáo Hoàn cầu, mọi người có cơ hội nhìn tận mắt, nghe tận tai rằng hận thù không phải là điều mà giáo lý thiêng liêng của bất kể tôn giáo nào đã dạy, mà mục đích chính của tôn giáo là sự hoà hợp và thống nhất. Thánh Thư Baha’i đã dạy: “Nếu tôn giáo trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ hận thù thì thà đừng có tôn giáo còn hơn.” Động lực xây dựng sự thống nhất nhân loại là Sứ điệp yêu thương của các Đấng Sứ giả của Thượng Đế mang đến nhân loại cho từng thời kỳ tiến hóa qua rất nhiều Đấng Biểu hiện của Thượng Đế như . . . Đức Moise, Đức Phật, Đức Chúa, Đức Mohammad, Đức Bab, Đức Baha’u’llah. . .

Người ta đã khám phá ra rằng việc đối chiếu giữa các tôn giáo, đưa con người tới chỗ chấp nhận một nền tảng đại đồng. Và câu hỏi chính yếu của chúng ta ngày nay là làm sao chúng ta có thể lướt thắng các lực lượng tối tăm đang đe dọa tiêu diệt nhân loại? Tín đồ các tôn giáo phải cấp thời làm gì để xây dựng xã hội loài người thịnh vượng, tâm linh, trước khi hố chia rẽ đang rình rập cơ hội vùi lấp nhân loại một cách thảm thương?

Cộng đồng Tôn giáo Baha’i tổ chức Ngày Tôn giáo Hoàn cầu.

Hoà nhập cùng mục đích chung với Cộng đồng Baha’i tại các nước trên thế giới, Cộng đồng Baha’i Việt Nam đã tổ chức Ngày Tôn giáo Hoàn cầu hàng năm, liên tục từ năm 1962 đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, không chỉ ở thành phố Sài gòn mà còn ở các thành phố, thị trấn khác đều cùng tổ chức trong ngày ấy như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Pleiku, Cần Thơ, Rạch Giá, Phan Thiết, Phan Rang, Bình Tuy. . . hầu hết được sự hưởng ứng nhiệt tình của các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, các học giả, số đông tín đồ các tôn giáo và đồng bào đến tham dự.

Cũng như các ngày Thánh lễ lớn của Tôn giáo Baha’i, trước khi tổ chức một vài hôm, hàng trăm câu Thánh ngôn được Ban tổ chức Thánh lễ viết trên vải một cách cẩn thận, được treo khắp các ngã đường trong thành phố và sau lễ được tháo gở một cách cẩn thận chu đáo đảm bảo vẻ mỹ quang cho thành phố, được xã hội rất hoan nghênh, và đều được các nhật báo đăng tải, đưa tin kịp thời đã gây ảnh hưởng rộng rãi trong mọi tầng lớp đồng bào cả nước.

Sáng kiến này đến nay đã trở thành nhu cầu thực tế của thế giới loài người. Tại khóa họp khoáng đại lần thứ 65 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã nhất trí thông qua Nghị quyết GA 11013, trong đó công bố rằng tuần lễ đầu của tháng 2 hàng năm là “Tuần lễ Hòa hợp Liên Tôn giáo Hoàn cầu” giữa tất cả các tín ngưỡng và tôn giáo. Đại Hội đồng đã nhìn nhận nhu cầu cấp thiết cho việc đối thoại giữa các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, trong việc đẩy mạnh sự cộng tác, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau giữa dân chúng.

NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CÁC TÔN GIÁO VÀ CÁC NHÀ TRÍ THỨC TRONG NƯỚC

Xin ghi lại dưới đây một vài nhận định của những người đã tham dự Ngày Tôn giáo Hoàn cầu mà Cộng đồng Baha’i đã tổ chức.

“Tôi tin rằng chỉ có tôn giáo, chỉ có tinh thần đạo đức mới xây dựng được xã hội tốt đẹp. Tôi mừng rằng các tôn giáo đã có cơ hội ngồi chung với nhau trong tinh thần đoàn kết. Tôi ước mong các tôn giáo sẽ có cơ hội đoàn kết hơn để xây dựng đất nước, và vì vậy tôi rất khen ngợi Ban tổ chức Ngày Tôn giáo Hoàn cầu.”

Cụ Phan Khắc Sửu

“Đức Giáo hoàng vẫn hằng kêu gọi đoàn kết tôn giáo và tất cả các tôn giáo đều là ánh sáng. Chỉ có bóng tối mới chống lại ánh sáng. Tôi mong Ngày Tôn giáo Hoàn cầu này đạt được mục đích đoàn kết rộng rãi đó.”

Linh mục Lê Quang Oánh

“Tôi nghĩ rằng chính phủ nên lưu tâm đến nỗ lực quan trọng như thế này. Chính phủ nên công bố Ngày Tôn giáo Hoàn cầu là ngày Quốc lễ để ngày này tổ chức được trọng thể hơn, các bài giảng này được phổ biến rộng rãi hơn cho đồng bào Nam Bắc đều thấy rằng chúng ta đang nỗ lực kiến tạo xã hội thực sự tốt đẹp, trong đó có giá trị tâm linh được hoàn toàn tôn trọng. Và tôi hứa sẽ đem tiếng nói này ra diễn đàn Quốc hội để đồng bào được nghe biết nhiều hơn.”

Nghị sĩ Hoàng Thế Phiệt

“Tôi dám ước mong rằng Ngày Tôn giáo Hoàn cầu năm nay đây là ngày thuận tiện để hết thảy mọi người tự dướng mình lên tới Đấng Tạo hoá.”

Linh mục Vũ Đức Khâm

“Công cuộc xây dựng thống nhất và hoà hợp chỉ có thể thành tựu một cách tốt đẹp, nếu nó được bắt nguồn từ cỏi lòng tha thiết chân thành của mỗi cá nhân. Với ý tưởng và niềm tin ấy, tôi thành thực nguyện cầu cho mục đích của Ngày Tôn giáo Hoàn cầu sẽ được thể hiện từ chiều sâu kín của mỗi tâm hồn chúng ta.”

Thượng Toạ Thích Quảng Độ

“Tôi thành tâm ca ngợi tất cả các vị Đại diện tôn giáo đã ngồi chung lại với nhau và cùng nỗ lực làm sáng tỏ chân lý duy nhất, tạo nên không khí thuận lợi cho sự thống nhất Quốc gia và Thế giới, ít ra cũng được về mặt tinh thần. Ước mong rằng nỗ lực này sẽ được duy trì và được sự hỗ trợ của tất cả quí vị và của tất cả những người thiện chí trên thế giới.”

Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Trần Văn Liêm

“Hoà bình tâm linh là sự giải phóng con người ra ngoài tất cả các tín điều, ra ngoài tất cả ý thức hệ chính trị… như trong kinh Kim Cang mà chúng tôi đã thuyết giảng vào ngày 15/01/1966 cũng vào Ngày Tôn giáo Hoàn cầu do Cộng đồng Tôn giáo Baha’i tổ chức. Chúng tôi muốn nhắc lại câu ấy: “Nhữ đẵng tỳ kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thường ưng xã, hà huống phi pháp” (Này các Tỳ Kheo, nên biết lời thuyết pháp của ta như chiếc bè trôi qua sông, chánh pháp còn phải bỏ đi, huống là phi pháp). Ý nghĩa Baha’i cũng nằm trong tinh thần phá chấp trong Kinh Kim Cang, vì trong một cuộc diễn thuyết ở Luân Đôn, Đức Abdul-Baha tuyên bố rằng một người có thể là Baha’i dù chưa từng nghe đến danh Đức Baha’u’llah. “Phàm kẻ nào sống cuộc đời đúng theo giáo huấn của Đức Baha’u’llah thì đã là một người Baha’i rồi. Ngược lại, kẻ tự hào là Baha’i trong 50 năm mà không sống cuộc đời chân chính, thì chẳng phải là một Baha’i.” Và khi định nghĩa Baha’i là gì? Đức Abdul-Baha nói: “Baha’i có nghĩa giản dị là yêu thương mọi người; thương yêu nhân loại và cố gắng phụng sự nhân loại là làm việc cho đại đồng và hoà bình thế giới.”

Hoà bình thế giới chính là hoà bình tâm linh, hoà bình tâm linh là hoà bình tôn giáo, vì tôn giáo là con đường giải thoát.”

Thượng Toạ Thích Minh Châu

Bài viết liên quan