Hai Đấng Biểu Hiện song hành

Đức Abdul-Baha nói tới việc giải thích các bằng chứng truyền thống có trong các Thánh Kinh.

Ngài nhắc rằng người tầm đạo cần có một số phẩm chất nhất định. Trước hết, phải công bằng và thoát khỏi mọi sự ngoài Thượng Đế, lòng người ấy phải hoàn toàn hướng về chân trời tối thượng; người ấy phải thoát khỏi mọi ràng buộc với tự ngã và dục vọng, vì tất cả các điều này đều là trở lực. Ngoài ra, người ấy phải nhận chịu mọi nổi nhọc nhằn. Người ấy phải tuyệt đối trong sạch và hướng thượng, và thoát khỏi mọi yêu ghét của các cư dân trên thế giới. Tại sao? Vì sự kiện là tình yêu của người ấy đối với một người hoặc một vật nào có thể ngăn trở người ấy nhận biết sự thật nơi một người hoặc vật khác, và đồng thời, sự ghét bỏ đối với điều gì đó cũng có thể là chướng ngại để nhận biết chân lý. Đấy là điều kiện về sự tìm kiếm, và người tầm đạo cần phải có những phẩm chất và đặc tính này. Chỉ khi nào đạt được điều kiện này, người ấy mới có thể đạt tới Mặt trời Thực tại.

Tất cả các dân tộc trên thế giới đang mong đợi hai Đấng Biểu hiện, phải đến cùng một lúc; mọi người chờ đợi sự ứng nghiệm của lời hứa này. Trong Thánh Kinh Do thái giáo có lời hứa về Đấng Chúa các Cơ binh và Đấng Messiah; trong sách Phúc âm thì sự trở lại của Đấng Christ và Elijah được hứa hẹn. Trong Hồi giáo có lời hứa về Đấng Mihdi và Đấng Messiah, và lời hứa giống như thế trong Bái hỏa giáo và trong các tôn giáo khác, nhưng nếu chúng ta kể lại chi tiết tất cả những điều này thì quá dài. Sự kiện chính yếu là tất cả đều hứa về hai Đấng Biểu hiện sẽ đến, Đấng này nối tiếp Đấng kia.

Đã có tiên tri rằng vào thời của hai Đấng Biểu hiện này trái đất sẽ biến cải, thế giới sinh tồn được đổi mới, và các sinh linh sẽ mặc y trang mới. Công bằng và chân lý sẽ bao trùm thế giới; sự hận thù và ghen ghét sẽ biến mất; mọi nguyên nhân gây chia rẽ giữa các dân tộc, giống nòi và quốc gia sẽ xóa sạch, chính nghĩa thống nhất, hòa hợp và thuận thảo sẽ xuất hiện. Kẻ vô tâm sẽ thức tỉnh, người mù sẽ thấy, người điếc sẽ nghe, người câm sẽ nói, người bệnh sẽ lành, người chết sẽ sống dậy. Chiến tranh sẽ nhường chỗ cho hòa bình, hận thù sẽ được chinh phục bằng tình yêu, các nguyên do của tranh chấp và cãi cọ sẽ hoàn toàn bị loại bỏ, và sự lạc phúc sẽ đạt thành. Thế giới sẽ biến thành tấm gương phản chiếu Vương quốc thiên thượng, nhân loại sẽ là Ngôi báu của Thần tính. Tất cả các nước thành một; tất cả các tôn giáo sẽ hợp nhất, tất cả các cá nhận sẽ trở thành một gia đình và một nòi giống. Tất cả các miền trên trái đất sẽ thành một miền; những điều mê tín về sắc dân, đất nước, cá nhân , ngôn ngữ và chánh trị sẽ biến mất; và mọi người sẽ đạt tới sự sống đời đời, dưới bóng của Đấng Chúa các Cơ binh.

Giờ đây chúng ta phải chứng minh bằng Thánh Kinh rằng hai Đấng Biểu hiện này đã đến, và chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa lời của các Đấng Tiên tri, vì chúng ta muốn có những bằng cớ rút ra trong Thánh Kinh.

Mấy ngày trước tại bàn tròn này, chúng ta đã đưa ra những bằng cớ duy lý để thiết lập chân lý về hai Đấng Biểu hiện này.

Kết cục là: trong Sách Daniel, từ khi xây dựng Thành Jerusalem cho đến sự tử đạo của Đức Chúa, có sự tiên định là bảy mươi tuần lễ, vì do sự tử đạo của Chúa thì sự hy sinh hoàn thành và bàn thờ bị hủy phá.[1] Đây là lời tiên tri về sự biểu hiện của Đức Chúa. Bảy mươi tuần lễ này bắt đầu với sự trùng tu và xây lại thành Jerusalem, liên quan đến bốn chiếu chỉ do ba nhà vua ban hành.

Chiếu chỉ thứ nhất do vua Cyrus ban hành năm 536 trước TC; điều này đã được ghi trong Chương nhất của Sách Ezra. Chiếu chỉ thứ hai, nhắc tới việc xây dựng lại thành Jerusalem, là của vua Darius nước Ba tư năm 519 trước TC; điều này được ghi lại trong Chương sáu Sách Ezra, Chiếu chỉ thứ ba là của vua Artaxerxes, vào năm thứ bảy triều đại vua ấy, tức năm 457 trước TC; điều này được ghi trong Chương bảy Sách Ezra. Chiếu chỉ thứ tư là của vua Artaxerxes vào năm 444 trước TC; điều này được ghi trong Chương hai Sách Nehemiah.

Nhưng Daniel đặc biệt nhắc tới chiếu chỉ thứ ba ban hành vào năm 457 trước TC. Bảy mươi tuần lễ là bốn trăm chín mươi ngày. Mỗi ngày, theo nguyên bản Thánh Kinh, là một năm. Vì trong Thánh Kinh có nói: “Ngày của Thượng Đế là một năm.”[2] Vì vậy bốn trăm chín mươi ngày là bốn trăm chín mươi năm. Chiếu chỉ thứ ba của Artaxerxes ban hành bốn trăm năm mươi bảy trước sự giáng sinh của Đức Chúa, khi Đức Chúa tử đạo và thăng thiên Ngài được ba mươi ba tuổi. Khi cộng ba mươi ba vào bốn trăm năm mươi bảy, kết quả là bốn trăm chín mươi, đó là thời gian Daniel tiên báo về sự biểu hiện của Đức Chúa.

Nhưng trong câu thánh thi số hai mươi lăm Chương chín Sách Daniel điều này được diễn tả theo cách khác, gồm bảy tuần và sáu mươi hai tuần, như vậy có vẻ là khác với điều trước. Nhiều người đã lúng lúng vì sự khác biệt này, đã cố tìm cách gắn kết cả hai với nhau. Làm sao bảy mươi tuần thì đúng ở chỗ này, rồi sáu mươi hai và bảy tuần lại đúng ở chỗ khác? Hai lời này không khớp với nhau.

Nhưng Daniel đã nói tới hai hạn kỳ. Một hạn kỳ bắt đầu với mệnh lệnh của Artexerxes cho Ezra xây dựng lại thành Jerusalem: đây là bảy mươi tuần kết thúc với sự thăng thiên của Đức Chúa, khi sự hy sinh và cống hiến chấm dứt do sự tử đạo của Ngài.

Thời kỳ thứ hai, tìm thấy trong trong câu thánh thi hai mươi sáu, nghĩa là sau khi chấm dứt việc xây dựng lại thành Jerusalem cho đến khi Chúa thăng thiên, thì có sáu mươi hai tuần: bảy tuần là thời gian xây dựng lại thành Jerusalem, mất bốn mươi chín năm. Khi cộng bảy tuần này vào sáu mươi hai tuần, ta có sáu mươi chín tuần, đúng vào tuần cuối (69-70) khi xảy ra sự thăng thiên của Đức Chúa. Như vậy là bảy mươi tuần lễ này hoàn tất, không có sự mâu thuẩn nào cả.

Giờ ta đã biết sự biểu hiện của Chúa được chứng minh theo những lời tiên tri của Daniel, chúng ta hãy chứng minh sự biểu hiện của Đức Baha’u’llah và Đức Bab. Cho tới lúc này, chúng ta chỉ nói về những bằng cớ duy lý; giờ ta nói về những bằng cớ truyền thống.

Trong Chương tám Sách Daniel, câu thánh thi mười chín có nói: “Bấy giờ ta nghe một đấng thánh đang nói và một đấng thánh khác nói với đấng thánh đang nói, rằng: sự hiện thấy này về của lễ thiêu hằng dâng và về tội ác sinh ra sự hủy diệt, đặng phá nơi thánh cùng cơ binh để bị dày đạp dưới chơn, sẽ còn cho đến chừng nào?” Người trả lời cùng ta rằng (câu 14): “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch”; (câu 17) “Nhưng người bảo ta rằng….sự hiện thấy đó có quan hệ với kỳ sau rốt.” Nghĩa là phải mất bao lâu thì sự bất hạnh này, sự lụi tàn này, sự tủi hổ và nhục nhã này mới chấm dứt? nghĩa là bao giờ mới đến buổi bình minh của Đấng Biểu hiện? Rồi người đáp: “Hai ngàn ba trăm ngày thì nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Tóm lại, ý nghĩa của đoạn này là Ngài ấn định hai ngàn ba trăm năm, vì trong nguyên bản Thánh Kinh mỗi ngày là một năm. Như vậy từ ngày Artaxerxes ban hành chiếu chỉ xây dựng lại thành Jerusalem cho tới ngày sinh của Đức Chúa là 456 năm, và từ ngày sinh của Chúa cho đến ngày biểu hiện của Đức Bab là 1844 năm. Khi cộng 456 năm vào số này ta có 2300 năm. Nghĩa là, sự ứng nghiệm điều hiện thấy của Daniel xảy ra năm 1844, đây là năm biểu hiện của Đức Bab theo đúng nguyên văn Sách Daniel. Hãy xem Ngài qui định năm biểu hiện rõ ràng như thế nào; không có lời tiên tri nào về sự biểu hiện rõ ràng hơn điều này.

Trong Sách Matthew (Ma-thi-ơ), Chương 24, câu 3, Đức Chúa phán rõ ràng rằng điều Daniel muốn nói trong lời tiên tri này là về sự biểu hiện, và đây là câu thánh thi: “Ngài đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?” Một trong những lời Đức Chúa đưa ra để giải thích cho họ là thế này (câu thi 15): “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tan nát lập ra trong nơi thánh, mà Đấng Tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý).” Trong câu trả lời này Đức Chúa nhắc cho họ tới Chương tám Sách Daniel, nói rằng mọi người đọc phải hiểu rằng đây là thời điểm được nói đến. Hãy xem sự biểu hiện của Đức Bab được nói tới rõ ràng biết bao 43 cả trong Cựu ước và Sách Phúc âm.

Để đúc kết, bây giờ ta giải thích về ngày biểu hiện của Đức Baha’u’llah trong Thánh Kinh. Ngày về Đức Baha’u’llah được tính theo các năm âm lịch từ sứ mệnh đến Hejira của Đức Muhammad; bởi vì âm lịch được sử dụng trong Hồi giáo, lịch này cũng được ứng dụng trong tất cả các phán lệnh về sự thờ phượng.

Trong Sách Daniel, Chương 12, câu 6, có nói: “Một người hỏi người mặc vải gai đương đứng ở trên nước sông, Bao lâu sẽ chấm dứt những điều kỳ diệu này? Và ta nghe người mặc áo gai đương đứng ở trên nước sông khi người cất tay hữu và tay tả lên trời, chỉ Đấng hằng sống mà thề rằng sẽ trải qua một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ; và khi quyền của dân Thánh Địa bị tan tác hết, thì các sự này đều xong.”[3]

Như Ta đã giải thích ý nghĩa của một ngày, nay không cần giải thích thêm nữa; nhưng chúng ta sẽ nói vắn tắt rằng mỗi ngày của Đấng Cha kể là một năm, và trong mỗi năm có mười hai tháng. Như thế ba năm và một nửa là bốn mươi hai tháng và bốn mươi hai tháng là một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Đức Bab, Đấng Tiền phong của Đức Baha’u’llah, xuất hiện vào năm 1260 từ cuộc Hejira của Đức Muhammad, theo cách tính của Hồi giáo.

Sau đó, trong câu thi số 11, có nói: “Từ kỳ từ bỏ của lễ thiêu hằng dâng và sự gớm ghiếc làm cho hoang vu sẽ được lập lên, thì sẽ có một ngàn hai trăm chín mươi ngày. Phước thay cho kẻ đợi, và đến một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày.[4]

Bắt đầu sự tính toán theo âm lịch này là từ ngày tuyên ngôn của Đấng Tiên tri Muhammad tại xứ Hijaz, đó là ba năm sau sứ mạng của Ngài, bởi vì lúc ban đầu cương vị Tiên tri của Đức Muhammad được giữ bí mật, không ai được biết ngoài Khadijah và Ibn Nawfal.[5] Sau ba năm mới được công bố. Và Đức Baha’u’llah, vào năm 1290, từ ngày tuyên ngôn sứ mạng của Đức Muhammad, khiến sự biểu hiện của Ngài được biết đến.[6]

Chính sự tuyên ngôn này mà người Baha’i cử hành Thánh lễ Ridvan, danh xưng này là của ngôi vườn nơi lối vào Thành phố, nơi Đức Babah’u’llah lưu lại mười hai ngày, và ở đó Ngài thực hiện sự tuyên ngôn.

[1]: Xem Sách Daniel 9:24
[2]: Xem Dân số ký 14:34
[3]: Xem Daniel 12:6-7
[4]: Đọan trích là các câu thi 11 và 12
[5]: Varaqat-Ibn-Nawfal, người bà con của Khadijah
[6]: Năm 1290 từ tuyên ngôn sứ mạng của Đức Muhammad là năm 1280 Hejira, hoặc năm 1863-64 kỷ nguyên chúng ta. Chính vào giai đọan này (Tháng tư năm 1863) Đức Baha’u’llah. Khi sắp rời Baghdad để đến Constantinople, tuyên bố cùng những người xung quanh Ngài rằng Ngài là Đấng Biểu hiện do Đức Bab thông báo