Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam phát biểu về biến đổi khí hậu

Chia sẻ về cuộc họp trù bị — Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tại Việt Nam tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu” do Ủy ban Trung ương MTTQVN và tổ chức Bắc Âu NCA VN phối hợp tổ chức tại khách sạn Hương Giang, Thành phố Huế vào ngày 25/5/2015

Dưới đây là phát biểu đóng góp của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam:

Kính thưa Quý vị,

Thay mặt cho Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Ban Thường Trực UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Bắc Âu NCA VN về sáng kiến tổ chức cuộc họp mặt với đại diện lãnh đạo các tôn giáo ở Việt Nam để bàn về nội dung cho Hội nghị sắp tới với chủ đề: “Phát huy vai trò của các tôn giáo tại Việt Nam tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu” vì như Dự thảo do Cộng đồng Baha’i Quốc tế soạn thảo và đã được ký bởi 25 tổ chức phi chính phủ, các nhóm tôn giáo và các viện chính sách nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tổ chức vào tháng 9/2009, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “quan tâm sâu xa về những vấn đề tinh thần và đạo đức tại gốc rễ của cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu.” Đã cho thấy vai trò của các tôn giáo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu là không thể thiếu được. Sự kiện hôm nay còn chứng tỏ Việt Nam là một thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc – thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết về cắt giảm khí thải tác nhân của việc ấm lên toàn cầu – biến đổi khí hậu.

Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của nền văn minh vật chất trên thế giới vô cùng to lớn, nó đã đóng góp vào sự tiện nghi trong cuộc sống của nhân loại ngày một phong phú, thế nhưng nó cũng đã để lại cho nhân loại những vấn nạn khó giải quyết. Trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Vì đó là sự phát triển không bền vững bởi chỉ chạy theo lợi ích cục bộ, ích kỷ, thể hiện sự bất công rõ rệt vì sự thiếu vắng về tầm cỡ tinh thần và đạo đức trong nền văn minh vật chất đó. 90% nguồn lợi nó thu về chỉ nằm trong tay của chưa đầy 10% dân số thế giới, còn đại bộ phận 90% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới 1 đô-la mỗi ngày. Sự kiện này đã tạo ra sự chênh lệch quá mức giữa giàu và nghèo – một nguyên lý mà Baha’i kêu gọi phải xóa bỏ.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với thế giới và nền văn minh hiện tại của chúng ta. Cho đến nay, qua nhiều tài liệu đánh giá có thẩm quyền thì việc ấm lên toàn cầu là “rõ ràng” và trực tiếp liên hệ đến các hoạt động của con người. Nó đòi hỏi phải xác định những thách thức cho phát triển của nhân loại ở thế kỷ 21. Vì chúng ta không thể tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mà không quan tâm đến biến đổi khí hậu, bởi vì khí hậu biến đổi có khả năng xóa sạch mọi thứ mà chúng ta đã đạt được trong sự phát triển của 20 năm về trước.

Nếu chúng ta quan tâm đến biến đổi khí hậu đầy đủ, chúng ta sẽ đóng góp để giải quyết nhiều vấn đề như năng lượng, đói nghèo, sức khỏe, an ninh v.v…

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ không đồng đều, nó trở nên trầm trọng tại nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, một đất nước có bờ biển kéo dài gần 3.000 cây số.

Đây là vấn đề toàn cầu, nên để xử lý nó cũng cần những giải pháp mang tính toàn cầu, không một tổ chức hay quốc gia đơn lẽ nào có thể giải quyết được.

Đức Baha’u’llah, Đấng Giáo tổ của Tôn giáo Baha’i đã dạy: “Trái đất là một quốc gia và nhân loại là công dân của quốc gia đó.” Vì vậy, xu thế toàn cầu là tất yếu cho thời đại của chúng ta đang sống. Đó là thời đại nhân loại bước vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành tập thể, với tư cách là một dân tộc duy nhất. Gia đình nhân loại ngày nay chia sẻ một vận mệnh toàn cầu trong một tổ quốc toàn cầu.

Đức Baha’u’llah dạy: “Hãy quan tâm đến những nhu cầu của thời đại mà ngươi đang sống, và tập trung thảo luận về những nhu cầu và tình trạng cấp bách của nó”

Qua mặc khải của Đức Baha’u’llah, những nguyên lý cần thiết cho tuổi trưởng thành tập thể của loài người đã được phú cho uy lực có thể thấm nhuần tận gốc rễ động cơ của con người và làm thay đổi hành vi.

Nếu nhân loại có một thời kỳ chuyển tiếp cho một tương lai thấp carbon và ngăn ngừa ảnh hưởng thảm khốc của việc ấm lên toàn cầu, thì thế giới sẽ cần một sự nỗ lực to lớn từ các khu vực tư và xã hội dân sự – bao gồm các tổ chức tôn giáo.

Trong nhiệm vụ hỗ trợ khuyến khích cho công nghệ xanh và thay đổi cách sống sẽ là cần thiết để đáp ứng cho mục tiêu, các tổ chức tôn giáo đóng một vai trò quan trọng, vì tầm cỡ tinh thần và đạo đức của vấn đề khí hậu.

Về phần mình, chúng tôi khẳng định rằng nguyên lý thống nhất nhân loại trở thành nguyên lý chỉ đạo của đời sống quốc tế. Nguyên lý này không làm hủy hoại quyền tự trị của các nước hoặc ngăn cản sự đa dạng về văn hóa hay trí tuệ. Đúng hơn, nó tạo ra khả năng để xem các thách thức về thay đổi khí hậu qua một thấu kính mới – một thấu kính nhận thức nhân loại là một khối thống nhất giống như những tế bào của cơ thể con người, với vô số hình dáng và chức năng khác nhau tuy nhiên thống nhất trong một mục đích chung. Nguyên lý này tiếp tục kêu gọi sự cộng tác, nó tìm kiếm sự khuôn đúc lại những khuôn mẫu tương tác của nhân loại đã lỗi thời và bất công trong cách phản ánh những mối liên hệ gắn kết chúng ta như là thành viên của nhân loại duy nhất.

Cộng đồng Baha’i đề nghị giáo dục cộng đồng về thay đổi khí hậu, nhằm nâng cao sự hiểu biết về những vấn đề môi trường và để xây dựng khả năng của các thành viên đóng góp giải pháp cho sự thách thức toàn cầu này.

Người Baha’i tin tưởng rằng tiến bộ trong việc phát triển tại thực địa tùy thuộc vào và được lèo lái bởi những chuyển động tại cơ sở của xã hội hơn là từ sự áp đặt kế hoạch và chương trình phát triển từ bên ngoài.

Kế hoạch này, tìm kiếm sự gia tăng hiểu biết của các cá nhân và cộng đồng địa phương về những nhu cầu, về tiềm năng và về khả năng đáp ứng. Các cộng đồng khác nhau sẽ có những phương pháp và giải pháp khác nhau trong việc đáp ứng cùng một nhu cầu.

Mỗi cộng đồng cần xác định các mục tiêu và các ưu tiên theo khả năng và nguồn lực của cộng đồng. Với sự đa dạng của các cộng đồng quanh thế giới, kế hoạch cổ vũ sự đổi mới và đa dạng về phương pháp đối với môi trường thích hợp với nhịp điệu của đời sống trong cộng đồng.

Phương pháp ảnh hưởng nhất để nâng cao nhận thức của cộng đồng Baha’i Thế giới về chủ đề biến đổi khí hậu và tham gia vào các hoạt động phụng sự liên quan đến sự bền vững môi trường là với các viện giáo lý để phát triển khóa học khám phá mối liên hệ của con người và môi trường như Thánh thư Baha’i đã nói rõ.

Khóa học này không chỉ đơn giản để gia tăng sự hiểu biết về chủ đề, nhưng còn xây dựng khả năng cho những người tham gia để gắn bó vào hành động phụng sự liên quan đến sự bền vững môi trường. Cũng vậy, chương trình cho thiếu nhi và thiếu niên cũng bao gồm tài liệu về biến đổi khí hậu và sự đóng góp mà thế hệ trẻ có thể làm đối với khủng hoảng khí hậu.

Nhiều thí dụ về các cuộc họp mặt cầu nguyện tại các cộng đồng địa phương đã chọn chủ đề ‘gìn giữ trái đất’ hay ‘môi trường’. Một số lớp học thiếu nhi hiến dâng một số hoạt động phụng sự liên quan đến môi trường như trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh cho cộng đồng nơi các em sinh sống. Nhiều nơi còn trồng rừng, làm sạch các mương nước và sông suối. Khi chương trình này được phát triển và sử dụng cho cộng đồng trên khắp thế giới, những sáng kiến ấy sẽ đặt nền móng hiểu biết tốt hơn về các vấn đề khí hậu cũng như về quan điểm Baha’i có liên quan.

Chu trình về Học tập – Hành động – và Phản ánh về những hành động đó sẽ mang lại kết quả cho khung sườn hành động gắn kết về biến đổi khí hậu.

Cung cấp chương trình về đề tài liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường cho cộng đồng nói chung cũng như việc giáo dục thiếu nhi và thiếu niên sẽ là một biện pháp quan trọng trong việc hòa nhập tinh thần và thực tế trong cộng đồng đã cam kết cho một hành tinh tốt đẹp hơn. Việc mô tả như thế nghe có vẻ đơn giản nhưng tiến trình của Viện và hành động phụng sự liên quan với nó tiêu biểu cho một quá trình biến đổi cho các cộng đồng Baha’i trên khắp thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng sự cam kết của các cộng đồng Baha’i với tiến trình hành động này sẽ là một đóng góp giá trị cho công việc của các tôn giáo về biến đổi khí hậu.

Theo giáo lý Baha’i: “Nền văn minh vật chất giống như cây đèn, còn nền văn minh tinh thần là ánh sáng của cây đèn.”

Khi nỗ lực của các tôn giáo nhằm ứng dụng các Thánh thư vào đời sống hàng ngày, việc chấn hưng tinh thần và đạo đức sẽ thấm đẫm trong cộng đồng xã hội thì nền văn minh tinh thần sẽ lớn mạnh, chi phối mọi hoạt động của con người theo hướng tích cực qua tình yêu vô biên của Thượng Đế tuôn đổ đồng đều lên tất cả mọi người. Lúc ấy chúng ta sẽ có được cả cây đèn đẹp lẫn ánh sáng hữu ích của cây đèn.

Cám ơn quý vị.